Mới đây, vào ngày 19/10/2020, Chính Phủ đã cho ban hành Nghị định số 125/2020/NĐ-CP nhằm quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế và hóa đơn. Nghị định này sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 05/12/2020.
Trong bài viết dưới đây, ACMan sẽ giúp các bạn tóm lược những ý chính của nghị định mới này.
1/ Những nội dung chính trong Nghị định 125/2020/NĐ-CP mới ban hành
Ngày 19/10/2020, Chính Phủ ban hành Nghị định 125/2020/NĐ-CP nhằm quy định chi tiết về xử phạt vi phạm hành chính về thuế và hóa đơn. Theo đó, nội dung chính của Nghị định 125/2020/NĐ-CP bao gồm những quy định sau:
– Quy định chung vi phạm hành chính thuế và hóa đơn;
– Quy định hành vi vi phạm hành chính về thuế, hình thức xử lý, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả;
– Quy định hành vi vi phạm hành chính về hóa đơn, hình thức xử lý, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả;
– Quy định thẩm quyền xử phạt, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính và một số thủ tục xử phạt vi phạm hành chính về thuế và hóa đơn.
Ngoài ra, người nộp thuế nếu áp dụng hóa đơn điện tử theo như quy định của Luật Quản lý thuế 2019 và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn Luật này trước ngày 01/7/2022, trường hợp xảy ra các vi phạm về hóa đơn điện tử thì sẽ bị áp dụng xử phạt theo đúng quy định xử phạt tại Nghị định 125/2020/NĐ-CP của Chính Phủ.
Kế toán cũng cần lưu ý thêm, Nghị định 125/2020/NĐ-CP không áp dụng đối với:
– Vi phạm về hành chính về phí, lệ phí;
– Vi phạm hành chính về thuế đối với hàng hóa Xuất nhập khẩu do cơ quan hải quan quản lý thu
– Vi phạm quy định về thủ tục đăng ký thuế
– Vi phạm quy định về thông báo tạm ngừng kinh doanh, thông báo tiếp tục hoạt động kinh doanh trước thời hạn với cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan đăng ký hợp tác xã của tổ chức, cá nhân thực hiện đăng ký thuế cùng với đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hợp tác xã, đăng ký kinh doanh.
>>> Xem thêm:
Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ
Phần mềm hóa đơn điện tử cho doanh nghiệp thương mại – phân phối
2/ Chính Phủ quy định một số văn bản pháp luật sẽ bị bãi bỏ từ ngày 05/12/2020
Tại Khoản 3, Điều 44 của Nghị định 125/2020/NĐ-CP mới ban hành, Chính Phủ đã quy định kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành (05/12/2020) thì một số quy định tại các Thông tư, Nghị định dưới đây sẽ phải chấm dứt hiệu lực thi hành:
– Chương I và Chương III của Nghị định 129/2013/NĐ-CP, Chính Phủ ban hành ngày 16/10/2013 nhằm quy định về xử phạt vi phạm hành chính về thuế và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế;
– Khoản 2, Điều 4, Chương 1; Chương 4; và Điều 44, Chương 5 của Nghị định 109/2013/NĐ-CP, Chính Phủ ban hành và quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn;
– Điều 3, Nghị định 49/2016/NĐ-CP, Chính Phủ ban hành ngày 27/5/2016 nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 109/2013/NĐ-CP;
– Thông tư 166/2013/TT-BTC ban hành ngày 15/11/2013; Thông tư 10/2014/TT-BTC ban hành ngày 17/01/2014; Thông tư 176/2016/TT-BTC ban hành ngày 31/10/2016 bởi Bộ Tài chính.
3/ Hướng dẫn xử lý chuyển tiếp vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn
Điều 45 của Nghị định 125/2020/NĐ-CP hướng dẫn xử lý chuyển tiếp quy định như sau:
– Trường hợp hành vi vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn thực hiện trước ngày Nghị định này có hiệu lực nhưng hành vi vi phạm đó kết thúc kể từ khi Nghị định này có hiệu lực thì áp dụng quy định tại văn bản quy phạm pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn có hiệu lực tại thời điểm thực hiện hành vi vi phạm đó.
– Các quy định về xử phạt tại Chương I, II, III Nghị định này, quy định về hoãn, miễn thi hành quyết định xử phạt có lợi cho cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn được áp dụng đối với hành vi xảy ra trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành mà sau đó mới bị phát hiện hoặc đang xem xét, giải quyết.
– Đối với các hành vi vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn đã bị xử phạt trước ngày Nghị định này có hiệu lực mà cá nhân, tổ chức còn khiếu nại, khởi kiện thì được giải quyết theo quy định của pháp luật xử phạt vi phạm hành chính về thuế và hóa đơn và các quy định pháp luật liên quan có hiệu lực tại thời điểm thực hiện hành vi vi phạm.
Hi vọng những thông tin trên sẽ giúp kế toán và doanh nghiệp có được cái nhìn tổng quan về Nghị định 125/2020/NĐ-CP mới được ban hành để chủ động hơn trong việc áp dụng quy định về hóa đơn, chứng từ nhằm tránh sai sót không đáng có.
Trên đây, bài viết đã cập nhật đến bạn và doanh nghiệp những nội dung chính quy định tại Nghị định 125/2020/NĐ-CP mới ban hành bởi Chính Phủ. Mọi thắc mắc hay muốn được tư vấn thêm về phần mềm hóa đơn điện tử AC-Invoice hoàn toàn miễn phí, Quý doanh nghiệp vui lòng liên hệ:
Phòng kinh doanh công ty ACMan
Điện thoại: 1900 63 66 85
Hotline: 0966 04 34 34
Email: sales@acman.vn
Website: acman.vn