Hiện nay, có rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam ký hợp đồng dịch vụ với tổ chức nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam (nhà thầu nước ngoài). nhà thầu nước ngoài cử chuyên gia là cá nhân nước ngoài sang Việt Nam làm việc. Ngoài khoản tiền lương, tiền công nhận được, các chuyên gia nước ngoài này còn được hưởng các khoản lợi ích bằng tiền hoặc không bằng tiền ngoài tiền lương trong thời gian làm việc tại Việt Nam do doanh nghiệp Việt Nam chi trả. Vậy cách tính thuế thu nhập cá nhân cho người nước ngoài được thực hiện như thế nào?
Trong bài viết này, ACMan sẽ giúp các bạn xác định cách tính thuế thu nhập cá nhân cho người nước ngoài khi họ làm việc ở Việt Nam.
1/ Căn cứ pháp lý
Việc tính thuế TNCN cho các chuyên gia nước ngoài căn cứ theo Thông tư 111/2013/TT-BTC, Thông tư 119/2014/TT-BTC và Thông tư 92/2015/TT-BTC mới nhất hiện hành.
Khi tính thuế TNCN cho người nước ngoài, cần phải xác định đối tượng chịu thuế đó là cá nhân cư trú hay cá nhân không cư trú. Bởi lẽ, với mỗi loại đối tượng pháp luật về thuế TNCN Việt Nam sẽ có phương pháp tính thuế khác nhau.
Sau đây, ACMan sẽ hướng dẫn các bạn cách tính thuế thu nhập cá nhân cho người nước ngoài trong từng trường hợp cụ thể.
2/ Trường hợp người nước ngoài làm việc tại Việt Nam được xác định là cá nhân không cư trú
a/ Cách xác định cá nhân không cư trú
– Người lao động là người nước ngoài có mặt tại Việt Nam là sự hiện diện của cá nhân đó trên lãnh thổ Việt Nam dưới 183 ngày tính trong một năm dương lịch hoặc trong 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam
– Người lao động là người nước ngoài không có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam ,không có nơi ở đăng ký thường trú theo quy định của pháp luật về cư trú hoặc không có thuê nhà ở tại Việt Nam
Ví dụ 1: Ông Peter là người nước ngoài đến Việt Nam từ ngày 20/4/2018. Trong năm 2018 tính đến ngày 31/12/2018, ông Peter có mặt tại Việt Nam tổng cộng 130 ngày. Vì ông Peter ở Việt Nam dưới 183 ngày nên ông Peter được xác định là cá nhân không cư trú.
b/ Cách tính thuế thu nhập cá nhân cho người nước ngoài trong trường hợp này
– Đối với cá nhân không cư trú, thu nhập chịu thuế là thu nhập phát sinh tại Việt Nam, không phân biệt nơi chi trả thu nhập.
– Người lao động là người nước ngoài chỉ đóng thuế thu nhập đối với phần tiền lương phát sinh tại Việt Nam, còn tiền lương phát sinh ở nước ngoài thì không phải đóng thuế thu nhập theo Luật Thuế TNCN.
– Thuế TNCN đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của cá nhân không cư trú được tính theo công thức:
Thuế TNCN phải nộp = (Thu nhập chịu thuế từ tiền lương tiền công) x (thuế suất 20%)
Chú ý: Đối với phần thuế TNCN từ tiền lương, tiền công của cá nhân không cư trú thì không phải quyết toán.
=> Xem thêm: Các khoản thu nhập cá nhân không tính thuế thu nhập cá nhân mới nhất 2020
3/ Trường hợp người nước ngoài làm việc tại Việt Nam được xác định là cá nhân cư trú
a/ Cách xác định cá nhân cư trú
Người nước ngoài là cá nhân cư trú khi thỏa mãn những điều kiện dưới đây:
– Có mặt tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên: Trong một năm dương lịch hoặc trong 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam
– Có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam: Có nơi ở đăng ký thường trú hoặc có nhà thuê với thời hạn của các hợp đồng thuê từ 183 ngày trở lên trong năm tính thuế
Ví dụ: Ông Mike là người nước ngoài đến Việt Nam làm việc liên tục từ ngày 01/3/2018. Đến ngày 15/11/2018, ông Mike kết thúc Hợp đồng lao động và về nước. Từ ngày 01/3/2018 đến khi về nước ông Jonh có mặt tại Việt Nam trên 183 ngày. Như vậy, năm 2018, ông Jonh được xác định là cá nhân cư trú.
– Đối với trường hợp người nước ngoài có mặt tại Việt Nam dưới 183 ngày tính trong một năm dương lịch hoặc trong 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam nhưng có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam theo một trong hai trường hợp sau:
+ Có nơi ở đăng ký thường trú theo quy định của pháp luật về cư trú: là có nơi ở đăng ký và được ghi trong Thẻ thường trú hoặc Thẻ tạm trú do cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ Công an cấp
+ Có nhà thuê để ở tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về nhà ở, với thời hạn của hợp đồng thuê từ 90 ngày trở lên trong năm tính thuế, cụ thể như sau:
+ Cá nhân chưa hoặc không có nơi ở được đăng ký thường trú, hoặc không được cấp Thẻ thường trú, Thẻ tạm trú, nhưng có tổng số ngày thuê nhà theo hợp đồng thuê từ 90 ngày trở lên trong năm tính thuế cũng thuộc đối tượng là cá nhân cư trú, kể cả trường hợp thuê ở nhiều nơi.
+ Nhà thuê để ở bao gồm cả trường hợp ở khách sạn, ở nhà khách, nhà nghỉ, nhà trọ, ở nơi làm việc, ở trụ sở cơ quan… không phân biệt cá nhân tự thuê hay người sử dụng lao động thuê cho người lao động.
b/ Cách tính thuế thu nhập cá nhân cho người lao động là người nước ngoài
– Đối với cá nhân cư trú, thu nhập chịu thuế là thu nhập phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam, không phân biệt nơi chi trả thu nhập.
– Cá nhân cư trú phải đóng thuế thu nhập đối với tiền lương phát sinh tại Việt Nam, kể cả tiền lương phát sinh ở nước ngoài.
– Về thuế TNCN đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của cá nhân cư trú được tính theo biểu thuế suất lũy tiến.
Chú ý: Trường hợp cá nhân cư trú là người nước ngoài khi kết thúc hợp đồng làm việc tại Việt Nam trước khi xuất cảnh thì phải thực hiện quyết toán thuế với cơ quan thuế.
4/ Các khoản thu nhập chịu thuế khi người nước ngoài làm việc tại Việt Nam
Thu nhập chịu thuế TNCN từ tiền lương, tiền công mà chuyên gia nước ngoài nhận được bao gồm cả các khoản lợi ích bằng tiền hoặc không bằng tiền ngoài tiền lương, tiền công do người sử dụng lao động trả mà chuyên gia nước ngoài nhận được hưởng dưới mọi hình thức như:
– Tiền nhà ở, điện, nước và các dịch vụ kèm theo (nếu có), không bao gồm: khoản lợi ích về nhà ở, điện nước và các dịch vụ kèm theo (nếu có) đối với nhà ở do người sử dụng lao động xây dựng để cung cấp miễn phí cho người lao động làm việc tại khu công nghiệp; nhà ở do người sử dụng lao động xây dựng tại khu kinh tế, địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn cung cấp miễn phí cho người lao động làm việc tại đó.
Trường hợp cá nhân ở tại trụ sở làm việc thì thu nhập chịu thuế căn cứ vào tiền thuê nhà hoặc chi phí khấu hao, tiền điện, nước và các dịch vụ khác tính theo tỷ lệ giữa diện tích cá nhân sử dụng với diện tích trụ sở làm việc.
Khoản tiền thuê nhà, điện nước và các dịch vụ kèm theo (nếu có) đối với nhà ở do đơn vị sử dụng lao động trả thay tính vào thu nhập chịu thuế theo số thực tế trả thay nhưng không vượt quá 15% tổng thu nhập chịu thuế phát sinh (chưa bao gồm tiền thuê nhà, điện nước và dịch vụ kèm theo (nếu có)) tại đơn vị không phân biệt nơi trả thu nhập.
– Khoản tiền do người sử dụng lao động mua bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm không bắt buộc khác có tích lũy về phí bảo hiểm; mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện hoặc đóng góp Quỹ hưu trí tự nguyện cho người lao động.
– Phí hội viên và các khoản chi dịch vụ khác phục vụ cho cá nhân theo yêu cầu như: chăm sóc sức khỏe, vui chơi, thể thao, giải trí, thẩm mỹ, cụ thể như sau:
+ Khoản phí hội viên (như thẻ hội viên sân gôn, sân quần vợt, thẻ sinh hoạt câu lạc bộ văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao…) nếu thẻ có ghi đích danh cá nhân hoặc nhóm cá nhân sử dụng. Trường hợp thẻ được sử dụng chung, không ghi tên cá nhân hoặc nhóm cá nhân sử dụng thì không tính vào thu nhập chịu thuế.
+ Khoản chi dịch vụ khác phục vụ cho cá nhân trong hoạt động chăm sóc sức khỏe, vui chơi, giải trí thẩm mỹ… nếu nội dung chi trả ghi rõ tên cá nhân được hưởng. Trường hợp nội dung chi trả phí dịch vụ không ghi tên cá nhân được hưởng mà chi chung cho tập thể người lao động thì không tính vào thu nhập chịu thuế.
– Phần khoán chi văn phòng phẩm, công tác phí, điện thoại, trang phục,… cao hơn mức quy định hiện hành của Nhà nước. Mức khoán chi không tính vào thu nhập chịu thuế đối với một số trường hợp như sau:
+ Đối với người lao động làm việc trong các tổ chức kinh doanh, các văn phòng đại diện: mức khoán chi áp dụng phù hợp với mức xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo các văn bản hướng dẫn thi hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.
+ Đối với người lao động làm việc trong các tổ chức quốc tế, các văn phòng đại diện của tổ chức nước ngoài: mức khoán chi thực hiện theo quy định của Tổ chức quốc tế, văn phòng đại diện của tổ chức nước ngoài.
– Đối với khoản chi về phương tiện phục vụ đưa đón người lao động từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại thì không tính vào thu nhập chịu thuế của người lao động theo quy chế của đơn vị.
– Các khoản lợi ích khác mà người sử dụng lao động chi cho người lao động như: chi trong các ngày nghỉ, lễ; thuê các dịch vụ tư vấn, thuê khai thuế cho đích danh một hoặc một nhóm cá nhân; chi cho người giúp việc gia đình như lái xe, người nấu ăn, người làm các công việc khác trong gia đình theo hợp đồng…
– Các khoản thưởng bằng tiền hoặc không bằng tiền dưới mọi hình thức…
Xem thêm:
Brian Tracy: 12 bước giúp bạn lên kế hoạch hoàn hảo cho năm mới
Phương án tiếp thị trên điện thoại di động
Trên đây là một vài chia sẻ của ACMan về cách tính thuế thu nhập cá nhân cho người nước ngoài. Để việc quản lý thu nhập của nhân viên và xử lý dữ liệu kế toán nhanh chóng và chính xác, quy khách hàng có thể ứng dụng phần mềm kế toán ACMan cho doanh nghiệp của mình.
Mọi chi tiết về sản phẩm xin vui lòng liên hệ:
Công ty cổ phần phát triển công nghệ ACMan
Hotline: 0966 04 34 34
Điện thoại: 1900 63 66 85
Email: sales@acman.vn