Trong quá trình kinh doanh, việc tặng quà, khuyến mãi, hay cho biếu tặng hàng hóa là những hoạt động thường xuyên nhằm xây dựng và duy trì mối quan hệ với khách hàng, đối tác, hoặc khuyến khích nhân viên. Tuy nhiên, dù có hay không thu tiền từ các giao dịch này, doanh nghiệp vẫn cần tuân thủ các quy định pháp luật liên quan đến lập hóa đơn, kê khai và tính thuế giá trị gia tăng (GTGT) với hàng hoá cho, biếu tặng. Trong bài viết dưới đây, ACMan sẽ giúp các bạn giải đáp câu hỏi trên.
1. Nguyên tắc lập và quản lý hóa đơn cho hàng hóa cho, biếu, tặng
– Theo khoản 1 Điều 4 Nghị định 123/2020/NĐ-CP, khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, kể cả trong trường hợp hàng hóa dùng để cho, biếu, tặng, quảng cáo, hay dùng làm hàng mẫu, người bán phải lập hóa đơn và giao cho người mua.
– Nội dung hóa đơn phải được ghi đầy đủ theo Điều 10 của Nghị định, và nếu sử dụng hóa đơn điện tử, hóa đơn phải tuân theo định dạng chuẩn của cơ quan thuế.
– Ngoài ra, theo Công văn 40744/CTHN-TTHT năm 2022, khi sử dụng hóa đơn cho hàng hóa biếu tặng, doanh nghiệp cần tuân thủ quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 123. Do đó, ngay cả khi hàng hóa được dùng với mục đích không thu tiền như cho, tặng, hoặc khuyến mãi, doanh nghiệp vẫn phải xuất hóa đơn, và nếu dùng hóa đơn điện tử thì phải đảm bảo chuẩn dữ liệu của cơ quan thuế theo quy định tại Điều 12 của Nghị định 123/2020/NĐ-CP.
2. Xác định giá tính thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa cho, biếu, tặng
Theo khoản 3 Điều 7 Thông tư 219/2013/TT-BTC, giá tính thuế GTGT cho hàng hóa, dịch vụ dùng để biếu, tặng được xác định bằng giá trị của hàng hóa, dịch vụ cùng loại hoặc tương đương tại thời điểm phát sinh giao dịch. Trường hợp hàng hóa là quà tặng, doanh nghiệp cần lấy giá thị trường của hàng hóa cùng loại để làm căn cứ tính thuế GTGT.
Một số trường hợp đặc biệt, như biếu tặng giấy mời dự các sự kiện nghệ thuật, thi đấu thể thao, nếu giấy mời ghi rõ không thu tiền thì giá tính thuế có thể được xác định bằng 0. Doanh nghiệp cần tự xác định và chịu trách nhiệm về số lượng giấy mời và danh sách đối tượng nhận giấy để báo cáo trước khi sự kiện diễn ra.
3. Hướng dẫn kê khai và nộp thuế GTGT cho hàng hóa cho, biếu, tặng
Khi thực hiện kê khai thuế GTGT đối với hàng hóa cho, biếu, tặng, doanh nghiệp phải tuân thủ các bước sau:
– Lập hóa đơn: Doanh nghiệp phải lập hóa đơn cho hàng hóa biếu tặng theo quy định tại Điều 10 Nghị định 123/2020/NĐ-CP. Trên hóa đơn cần ghi rõ thông tin và ghi nhận giá trị tính thuế GTGT của hàng hóa.
– Kê khai thuế GTGT: Giá tính thuế GTGT của hàng hóa biếu tặng sẽ được doanh nghiệp ghi vào tờ khai thuế GTGT của kỳ tính thuế phát sinh giao dịch. Doanh nghiệp phải kê khai đầy đủ để cơ quan thuế kiểm tra và đánh giá đúng nghĩa vụ thuế của mình.
– Nộp thuế GTGT: Sau khi xác định và kê khai giá tính thuế GTGT, doanh nghiệp cần nộp thuế GTGT tương ứng vào ngân sách nhà nước. Hình thức và thời hạn nộp thuế GTGT sẽ thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan thuế tại thời điểm kê khai.
>>> Xem thêm:
Thủ tục hoàn thuế giá trị gia tăng hàng xuất khẩu
Các trường hợp không phải kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng
4. Hạch toán thuế GTGT hàng cho, biếu, tặng
4.1. Trường hợp doanh nghiệp mua hàng về để đi cho biếu tặng
– Trường hợp mua hàng về tặng ngay không nhập kho:
- Nợ TK 641, 642 (Nếu doanh nghiệp hạch toán theo Thông tư 200/2014/TT-BTC)
- Nợ TK 642 (Nếu doanh nghiệp hạch toán theo Thông tư 133/2016/TT-BTC)
- Nợ TK 133: Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)
- Có TK 111, 112, 331
– Trường hợp hàng hóa mua về nhập kho:
- Nợ TK 152,153,156: Giá trị hàng hóa nhập kho
- Nợ TK 1331: Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)
- Có TK 111,112,331
4.2. Với bên nhận hàng hoá biếu, tặng
Bên nhận thực hiện hạch toán hàng được tặng như sau:
- Nợ TK 156, 142, 642.
- Có TK 711.
Công văn 633/TCT-CS ngày 13/2/2015 của Tổng cục Thuế gửi Chi phục Thuế Hải Phòng hướng dẫn: bên nhận không phải trả tiền nên sẽ không được khấu trừ thuế GTGT.
Việc kê khai, tính thuế và hạch toán thuế GTGT cho hàng hóa cho, biếu, tặng là một công tác cần thiết nhằm đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật và giữ vững tính minh bạch trong hoạt động tài chính của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp cần hiểu rõ và thực hiện đúng quy trình, từ lập hóa đơn, xác định giá tính thuế, đến kê khai và hạch toán, để tránh các rủi ro không đáng có về pháp lý và tài chính. Điều này không chỉ giúp duy trì uy tín doanh nghiệp mà còn góp phần vào quản lý thuế hiệu quả trong bối cảnh kinh tế ngày càng phát triển và yêu cầu tuân thủ pháp luật ngày càng cao.
Bên cạnh đó, để công tác tài chính – kế toán diễn ra chính xác, nhanh chóng và hiệu quả hơn, các bạn có thể ứng dụng giải pháp phần mềm kế toán ACMan cho doanh nghiệp của mình. Mọi chi tiết về sản phẩm xin vui lòng liên hệ:
Fanpage: Công ty Cổ phần ACMan
Công ty cổ phần phát triển công nghệ ACMan
Hotline: 0966 04 34 34
Email: sales@acman.vn