Hướng dẫn cách hạch toán lệ phí môn bài cho doanh nghiệp theo TT200 và TT133
Thuế môn bài là loại thuế thu theo năm, được tính vào khoản chi phí quản lý doanh nghiệp và được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Bút toán hạch toán lệ phí môn bài được quy định như thế nào? Trong bài viết dưới đây, ACMan sẽ hướng dẫn bạn đọc cách hạch toán lệ phí môn bài theo TT200 và TT133 cụ thể như sau nhé!
1/ Các văn bản pháp luật có liên quan
Để hạch toán lệ phí môn bài trước tiên bạn cần xác định số thuế môn bài phải nộp dựa vào số Vốn điều lệ được ghi trên giấy phép đăng ký kinh doanh quy định tại Nghị định 139/2016/NĐ-CP.
Theo Khoản 1, Điều 4, Nghị định 139/2016/NĐ-CP quy định về mức thu lệ phí môn bài đối với tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ như sau:
* Mức thu lệ phí môn bài đối với tổ chức kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, hoạt động sản xuất như sau:
- Tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư trên 10 tỷ đồng thì phải đóng lệ phí môn bài là 3.000.000 đồng/năm;
- Tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư từ 10 tỷ đồng trở xuống thì phải đóng thuế môn bài 2.000.000 đồng/năm;
- Chi nhánh, địa điểm kinh doanh, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế khác phải đóng thuế môn bài là 1.000.000 đồng/năm.
Mức thu lệ phí môn bài đối với tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp quy định tại điểm a và điểm b khoản này căn cứ vào vốn điều lệ ghi trong giấy đăng ký kinh doanh. Trường hợp doanh nghiệp không có vốn điều lệ thì căn cứ vào vốn đầu tư ghi trong giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Vì vậy, nếu doanh nghiệp của bạn không thay đổi giấy phép đăng ký kinh doanh, thay đổi vốn điều lệ làm ảnh hưởng đến bậc thuế số thuế Môn bài phải nộp thì chúng ta chỉ phải nộp tiền thuế môn bài theo quy định và hạn nộp tiền là ngày 30/1.
Lưu ý:
- Nếu DN thành lập trong 6 tháng đầu năm: Phải nộp thuế Môn bài cả năm,
- Nếu DN thành lập trong 6 tháng cuối năm (từ 01/07 về cuối năm): Sẽ nộp thuế Môn bài 1/2 năm.
Xem thêm về: Một số lưu ý khi quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2019
2/ Cách hạch toán lệ phí môn bài
Khi nộp tờ khai lệ phí môn bài (bút toán hạch toán lệ phí môn bài thường được hạch toán vào đầu năm tài chính)
Nếu hạch toán lệ phí môn bài theo Thông tư 200:
- Nợ TK 6425: (Được tính là thuế, phí và lệ phí),
- Có TK 3338: (Các loại thuế khác).
Nếu hạch toán lệ phí môn bài theo Thông tư 133:
- Nợ TK 6422: (Được tính là chi phí quản lý doanh nghiệp),
- Có TK 3338: (Các loại thuế khác).
Khi nộp tiền vào ngân sách:
- Nợ TK 3338
- Có TK 111,112
Khoản chi tài trợ nào được trừ thuế thu nhập doanh nghiệp?
3/ Mức phạt khi hạch toán lệ phí môn bài chậm nộp
a/ Mức nộp phạt khi nộp chậm thuế môn bài
Từ ngày 01/7/2017 thuế môn bài chuyển thành lệ phí môn bài theo Nghị định 139/2016/NĐ-CP, các quy định về mức phạt chậm nộp vẫn thực hiện theo các quy định về thuế.
Theo Điều 9 Thông tư 166/2013/TT-BTC mức phạt với tổ chức, hộ gia đình, nhóm cá nhân, cá nhân chậm nộp hồ sơ khai lệ phí môn bài được tính theo thời gian chậm nộp. Cụ thể như sau:
* Mức phạt nộp chậm tờ khai hạch toán lệ phí môn bài
- Thời gian chậm từ 01 – 10 ngày: 400.000 – 1.000.000 đồng,
- Thời gian chậm từ trên 10 ngày – 20 ngày: 800.000 – 2.000.000 đồng,
- Thời gian chậm từ trên 20 ngày – 30 ngày: 1.200.000 – 3.000.000 đồng,
- Thời gian chậm từ trên 30 ngày – 40 ngày: 1.600.000 – 4.000.000 đồng,
- Thời gian chậm từ trên 40 ngày – 90 ngày: 2.000.000 – 5.000.000 đồng.
* Mức phạt nộp chậm lệ phí môn bài
Từ ngày 01/7/2016 thì tiền chậm nộp được tính theo mức 0,03%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp (theo khoản 3 Điều 3 Thông tư 130/2016/TT-BTC).
Theo đó, số tiền phải nộp bao gồm cả số tiền gốc phải nộp và tiền chậm nộp.
Số tiền phải nộp = (Số tiền chậm nộp) x (0,03%) x (Số ngày chậm nộp)
Lưu ý: Số ngày chậm nộp tiền thuế (bao gồm cả ngày lễ, ngày nghỉ theo quy định của pháp luật) được tính từ ngày liền kề sau ngày cuối cùng của thời hạn nộp thuế…
b/ Cách hạch toán tiền phạt nộp chậm thuế môn bài
Khi doanh nghiệp, tổ chức nhận được Quyết định xử phạt của Cơ quan thuế:
- Nợ TK 811: Tài khoản Chi phí khác,
- Có TK 3339: Tài khoản phí lệ phí và các khoản phải nộp
Khi nộp tiền phạt (Dựa trên giấy nộp tiền vào ngân sách):
- Nợ TK 3339: Tài khoản phí lệ phí và các khoản phải nộp
- Có TK 111/112
Cuối kỳ kết chuyển:
- Nợ TK 911
- Có TK 811
Lưu ý: Khoản tiền phạt nộp Tiền thuế môn bài và Tiền phạt chậm nộp Tờ khai thuế môn bài sẽ không được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
Như vậy, ACMan vừa chia sẻ cho các bạn cách thức hạch toán lệ phí môn bài theo TT200 và TT113. Hi vọng có thể phần nào tháo gỡ khó khăn trong công việc cho các bạn kế toán. Nếu quý khách hàng có bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến nghiệp vụ kế toán thì có thể liên hệ với Bộ phận tư vấn của ACMan để được giải đáp.
CÔNG TY CỔ PHẦN ACMAN
Group Hỗ trợ: https://www.facebook.com/groups/Acman.vn/
Fanpage: Công ty Cổ phần ACMan
Website: acman.vn
Hotline: 0966 04 34 34
Điện thoại: 1900 63 66 85
Email: sales@acman.vn