Khi kinh doanh và thực hiện các giao dịch thương mại, việc xuất hiện sự sai lệch trong việc tính toán và khai báo tiền thuế giá trị gia tăng trên hóa đơn là chuyện rất dễ xảy ra. Ngay khi phát hiện sai sót, kế toán cần lập tức xử lý để tránh các rủi ro không đáng có về mặt pháp lý. Vậy khi xuất hiện sai lệch tiền thuế GTGT trên hóa đơn thì cần xử lý như thế nào? Trong bài viết này ACMan sẽ giúp các bạn giải đáp câu hỏi trên.
1. Nguyên nhân dẫn đến lệch tiền thuế GTGT trên hóa đơn
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc lệch tiền thuế GTGT trên hóa đơn. Cụ thể nguyên nhân có thể là:
– Sai sót của kế toán trong quá trình lập hóa đơn.
– Sai sót trong quá trình nhập liệu hóa đơn vào hệ thống kế toán.
– Sai sót trong quá trình tính thuế VAT.
Lệch tiền thuế GTGT có thể gây ra một số hậu quả sau đây:
– Doanh nghiệp có thể bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế.
– Doanh nghiệp có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trốn thuế.
– Doanh nghiệp có thể bị ảnh hưởng đến uy tín và hoạt động kinh doanh.
Khi phát hiện ra sai sót về tiền thuế trên hóa đơn GTGT kế toán cần xử lý kịp thời để tránh rủi ro, đảm bảo hóa đơn phản ánh đúng và trung thực các nội dung mua bán hàng hóa, dịch vụ và lập theo quy định của pháp luật.
2. Căn cứ pháp lý giải quyết sai sót trên hóa đơn
Hóa đơn là chứng từ kế toán do tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ lập, ghi nhận thông tin bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ. Hóa đơn được thể hiện theo hình thức hóa đơn điện tử hoặc hóa đơn do cơ quan thuế đặt in (theo Khoản 1, Điều 3, Nghị định 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020).
Lệch tiền thuế GTGT trên hóa đơn được xếp vào trường hợp xảy ra sai sót về tiền thuế trên hóa đơn điện tử. Căn cứ pháp lý giải quyết việc hóa đơn điện tử có sai sót gồm:
– Nghị định 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020.
– Thông tư 78/2021/TT-BTC ngày 17/09/2021.
3. Lệch tiền thuế giá trị gia tăng trên hóa đơn xử lý thế nào
Lệch tiền thuế GTGT trên hóa đơn sẽ dẫn đến sai lệch về tiền thuế phải nộp, điều này có thể dẫn đến thiệt hại cho doanh nghiệp (nếu sai lệch khiến tiền thuế phải nộp tăng) hoặc có thể bị phạt (nếu sai lệch làm số thuế thực tế nộp giảm đi).
Sau đây, ACMan xin được chia sẻ cách xử lý lệch tiền thuế GTGT trên hóa đơn trong trường hợp cụ thể
a. Trường hợp người mua hoặc người bán phát hiện ra sai sót
Căn cứ Khoản 2, Điều 19, Nghị định 123/2020/NĐ-CP và Điều 7, Khoản 6 Điều 12, Thông tư 78/2021/TT-BTC Cục thuế hướng dẫn người nộp thuế xử lý hóa đơn điện tử, bảng tổng hợp dữ liệu hóa đơn điện tử đã gửi cơ quan thuế có sai sót như sau:
– Người bán lập hóa đơn điện tử điều chỉnh hóa đơn đã lập có sai sót. Trường hợp người bán và người mua có thỏa thuận về việc lập văn bản thỏa thuận trước khi lập hóa đơn điều chỉnh cho hóa đơn đã lập có sai sót thì người bán và người mua lập văn bản thỏa thuận ghi rõ sai sót, sau đó người bán lập hóa đơn điện tử điều chỉnh hóa đơn đã lập có sai sót. Đồng thời hóa đơn điện tử điều chỉnh hóa đơn điện tử đã lập có sai sót phải có dòng chữ: “Điều chỉnh cho hóa đơn Mẫu số… ký hiệu… số… ngày… tháng… năm”.
– Người bán lập hóa đơn điện tử mới thay thế cho hóa đơn điện tử có sai sót trừ trường hợp người bán và người mua có thỏa thuận về việc lập văn bản thỏa thuận trước khi lập hóa đơn thay thế cho hóa đơn đã lập có sai sót thì người bán và người mua lập văn bản thỏa thuận ghi rõ sai sót, sau đó người bán lập hóa đơn điện tử thay thế hóa đơn đã lập có sai sót. Đồng thời hóa đơn điện tử mới thay thế hóa đơn điện tử đã lập có sai sót phải có dòng chữ: “Thay thế cho hóa đơn Mẫu số… ký hiệu… số… ngày… tháng… năm”.
Lưu ý:
Người bán ký số trên hóa đơn điện tử mới điều chỉnh hoặc thay thế cho hóa đơn điện tử đã lập có sai sót sau đó người bán gửi cho người mua (đối với trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế) hoặc gửi cơ quan thuế để cơ quan thuế cấp mã cho hóa đơn điện tử mới để gửi cho người mua (đối với trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế).
>>> Xem thêm:
Thời điểm xác định doanh thu tính thuế giá trị gia tăng mới nhất
Hướng dẫn tính thuế giá trị gia tăng phải nộp theo phương pháp trực tiếp và khấu trừ
b. Trường hợp cơ quan thuế phát hiện ra sai sót lệch tiền thuế GTGT trên hóa đơn
Trường hợp cơ quan thuế phát hiện hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế hoặc hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế đã lập có sai sót về thuế suất hoặc tiền thuế thì:
– Cơ quan thuế thực hiện: thông báo cho người bán theo Mẫu số 01/TB-RSĐT (tại Phụ lục IB ban hành kèm theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP) để người bán kiểm tra sai sót.
– Người bán thực hiện: thông báo với cơ quan thuế theo Mẫu số 04/SS-HĐĐ (tại Phụ lục IA ban hành kèm theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP) về việc kiểm tra hóa đơn điện tử đã lập có sai sót theo thời hạn thông báo ghi trên Mẫu số 01/TB-RSĐT của cơ quan thuế.
– Hết thời hạn thông báo ghi trên Mẫu số 01/TB-RSĐT mà người bán không thông báo với cơ quan thuế thì cơ quan thuế tiếp tục thông báo lần 2 cho người bán theo Mẫu số 01/TB-RSĐT. Nếu quá thời hạn thông báo lần 2 ghi trên Mẫu số 01/TB-RSĐT mà người bán không có thông báo thì cơ quan thuế xem xét chuyển sang trường hợp kiểm tra về sử dụng hóa đơn điện tử.
Lệch tiền thuế GTGT trên hóa đơn là sai sót nghiêm trọng cần xử lý kịp thời và đúng quy định của pháp luật để tránh bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế và các hậu quả khác. Trong trường hợp hóa đơn vừa có sai sót về thuế vừa có sai sót khác, tùy trường hợp mà bên bán quyết định lập hóa đơn mới thay thế hóa đơn sai sót hay lập hóa đơn điều chỉnh.
Trên đây, ACMan đã chia sẻ tới các bạn cách xử lý sai lệch tiền thuế giá trị gia tăng trên hóa đơn, hy vọng những thông tin trên hữu ích với quý bạn đọc. Bên cạnh đó, để giảm thiểu tối đa các sai sót trong việc quản lý hóa đơn, các bạn nên sử dụng một giải pháp phần mềm hóa đơn điện tử chuyên nghiệp như phần mềm hóa đơn điện tử AC-Invoice của chúng tôi.
Để được trải nghiệm thử miễn phí phần mềm, xin quý khách hàng vui lòng liên hệ:
Phòng Kinh doanh Công ty Cổ phần ACMan
Website: acman.vn
Điện thoại: 1900 63 66 85
Hotline: 0966 04 34 34
Email: sales@acman.vn