Chi phí hợp lý hay chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp là một trong những chi phí mà kế toán cần xác định chính xác, nhằm đảm bảo tính đúng số thuế và quyền lợi của doanh nghiệp. Trong bài viết dưới đây, ACMan sẽ giúp các bạn tổng hợp các chi phí hợp lý khi tính thuế TNDN.
1. Chi phí hợp lý (Chi phí được trừ) là gì?
Căn cứ Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC, trừ các khoản chi không được trừ thì doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:
(1) Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
(2) Khoản chi có đủ hoá đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.
(3) Khoản chi nếu có hoá đơn mua hàng hoá, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế giá trị gia tăng) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.
Như vậy, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và có đủ hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật.
2. Các loại chi phí hợp lý khi tính thuế Thu nhập doanh nghiệp
a. Chi phí nguyên vật liệu
Đối với phần chi phí này, doanh nghiệp tự cân đối và xây dựng định mức hao hụt – sử dụng nguyên vật liệu. Định mức này thường được xây dựng và lên kế hoạch từ đầu năm hoặc đầu kỳ sản xuất và được lưu trữ, quản lý tại doanh nghiệp.
Chi phí được trừ bao gồm các khoản chi mua nguyên vật liệu, hàng hoá trong phạm vi định mức mà doanh nghiệp đã xây dựng.
b. Các loại chi phí lãi vay được trừ khi tính thuế TNDN
– Đối tượng cho vay là cá nhân: Lãi suất vay không vượt quá 150% mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm đi vay. Đồng thời, khi trả lãi vay thì phải khấu trừ 5% thuế TNCN trên phần lãi chi trả của cá nhân đó;
– Đối tượng cho vay là doanh nghiệp – không phải là tổ chức tín dụng: Khi trả tiền lãi vay, doanh nghiệp phải yêu cầu bên cho vay xuất hoá đơn;
– Đối tượng cho vay là ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng: Phải tuân thủ theo lãi suất công bố. Trường hợp này không yêu cầu bên đi vay phải thanh toán qua ngân hàng, có thể thanh toán bằng tiền mặt;
– Doanh nghiệp đã góp đủ vốn điều lệ, trong quá trình kinh doanh có khoản chi trả lãi vay để đầu tư vào doanh nghiệp khác. Khi đó, khoản chi phí này được tính là chi phí hợp lý của doanh nghiệp khi xác định thu nhập chịu thuế.
c. Chi phí khấu hao tài sản cố định, công cụ dụng cụ, chi phí trả trước
– Các khoản chi cho việc mua tài sản cố định phục vụ cho người lao động tham gia làm việc tại công ty như: nhà nghỉ, nhà ăn, nhà vệ sinh, cơ sở y tế, nội thất, nhà để xe, bể nước sạch…;
– Các khoản khấu hao tài sản cố định đứng tên công ty và tài sản cố định thuê mua tài chính;
– Các phần trích khấu hao nằm trong khung mức quy định của Bộ Tài chính;
– Đối với doanh nghiệp kinh doanh nhóm ngành như vận tải hành khách, khách sạn, du lịch: Phần trích khấu hao từ nguyên giá là xe ô tô phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thì được tính toàn bộ vào chi phí hợp lý của doanh nghiệp;
– Đối với các doanh nghiệp ngoài 3 nhóm ngành kinh doanh như vận tải hành khách, khách sạn, du lịch: Chi phí hợp lý khi tính khấu hao ô tô chở người từ 9 chỗ trở xuống là phần trích khấu hao tương ứng với nguyên giá từ 1.6 tỷ đồng trở xuống và tài sản phải đứng tên doanh nghiệp;
– Khấu hao với công trình trên diện tích đất sử dụng cho mục đích kinh doanh của doanh nghiệp;
– Các khoản khấu hao tài sản cố định khi doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh dưới 9 tháng do sản xuất theo mùa vụ.
d. Một số chi phí mua hàng không có hóa đơn
– Chi mua hàng hóa, dịch vụ mua vào lập đính kèm bảng kê theo mẫu số 01/TNDN nhưng không lập kèm bảng kê chứng từ thanh toán cho người bán trong các trường hợp dưới đây:
- Chi mua hàng hóa là hải sản, nông sản, thủy sản của người đánh bắt trực tiếp;
- Chi mua các sản phẩm là hàng thủ công như: đay, cói, tre, rơm, vỏ dừa của người trực tiếp sản xuất không kinh doanh trực tiếp bán ra;
- Chi mua đất, cát, sỏi, đá của cá nhân tự khai thác;
- Chi mua phế liệu của người trực tiếp thu lượm;
- Chi mua đồ dùng, dịch vụ của cá nhân hoặc hộ gia đình không trực tiếp kinh doanh.
– Điều kiện ghi nhận là chi phí hợp lý của doanh nghiệp:
- Bảng kê thu mua hàng hóa theo mẫu 01/TNDN phải do đại diện pháp luật hoặc người được ủy quyền từ doanh nghiệp ký và chịu trách nhiệm về tính chính xác và trung thực trước pháp luật;
- Bên bán phải cung cấp CMND/CCCD bản photo;
- Các khoản chi phí thu mua hàng hóa không hóa đơn này không bắt buộc phải có chứng từ thanh toán qua ngân hàng, có thể dùng tiền mặt để chi trả.
>>> Xem thêm:
Các khoản thu nhập khác phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp
Cách tính thuế thu nhập doanh nghiệp từ hoạt động chuyển nhượng vốn
e. Chi phí thuê nhà, thuê tài sản
– Chi phí thuê kho bãi, nhà xưởng, nhà kho phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh thì phải đăng ký với cơ quan nhà nước quản lý;
– Chi trả tiền thuê nhà, thuê tài sản cho cá nhân tổ chức có chứng từ và hóa đơn hợp lệ;
– Chi phí thuê nhà, thuê tài sản phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp;
– Đối với trường hợp trong hợp đồng thuê có thỏa thuận doanh nghiệp nộp thay tiền thuế thuê tài sản cho cá nhân thì hồ sơ hợp lệ để được tính là chi phí được trừ, bao gồm:
- Hợp đồng cho thuê;
- Chứng từ thanh toán tiền thuê nhà, thuê tài sản;
- Chứng từ nộp thuế thuê tài sản thay cho cá nhân.
f. Các chi phí khác
(1) Chi tiền lương, tiền công, tiền thưởng cho người lao động
– Các khoản chi phải được ghi cụ thể mức hưởng và điều kiện hưởng trong hợp đồng thỏa thuận lao động, quy chế tài chính và quy chế lương thưởng của doanh nghiệp;
– Phải có chứng từ thanh toán lương kèm chữ ký của lao động.
(2) Các khoản phụ cấp như cơm, đồng phục, điện thoại, tăng ca; chi phí công tác; chi phí đóng bảo hiểm tự nguyện
(3) Các khoản phúc lợi cho nhân viên
Các khoản chi có tính chất phúc lợi cho nhân viên như: các khoản lễ, quà tết, tất niên, liên hoan, du lịch, đám hiếu hỷ, hỗ trợ học tập, hỗ trợ gia đình lao động bị ảnh hưởng thiên tai, lũ lụt…
(4) Chi tiền thưởng cho sáng kiến, cải tiến, nghiên cứu khoa học…
– Quy định cụ thể trong quy chế lương thưởng của doanh nghiệp về việc chi thưởng cho sáng kiến, cải cách, nghiên cứu khoa học và có hội đồng nghiệm thu sáng kiến, cải cách;
– Chi tài trợ nguyên cứu khoa học phải theo chương trình của nhà nước;
– Biên bản xác nhận đầy đủ chữ ký giữa bên tài trợ, bên thưởng và bên nhận tài trợ, nhận thưởng;
– Nếu thưởng hoặc tài trợ bằng hiện vật phải có hóa đơn, chứng từ thanh toán;
– Nếu thưởng hoặc tài trợ bằng tiền phải có chứng từ chi tiền.
(5) Các khoản trích lập dự phòng: hàng tồn kho, nợ khó đòi phải thu, dự phòng tổn thất đầu tư tài chính,…
(6) Các khoản chi phí trích trước
(7) Chi phí hàng khuyến mãi, quà tặng khách hàng
(8) Chi phí tiền điện nước thuê văn phòng công ty, địa điểm kinh doanh đối với hợp đồng điện nước do chủ sở hữu là hộ gia đình hoặc cá nhân cho thuê.
Trong đó, điều kiện để được ghi nhận là chi phí hợp lý là:
– Có hợp đồng thuê địa điểm và trên hợp đồng có nêu rõ bên nào chi trả khoản tiền điện nước này;
– Có hoá đơn tiền điện nước;
– Có chứng từ thanh toán tiền điện nước. Trường hợp công ty thanh toán cho chủ cho thuê thì chứng từ thanh toán tiền điện nước phù hợp với số lượng điện nước thực tế tiêu thụ của công ty.
(9) Chi phí lỗ do chênh lệch đánh giá ngoại tệ
(10) Chi phí nguyên vật liệu, hàng hóa bị hư hỏng do hết hạn sử dụng hay do thiên tai lũ lụt
(11) Chi phí tài trợ cho giáo dục, y tế, thiên tai, lũ lụt, người nghèo, chi phí hỗ trợ dịch covid
(12) Chi phí kinh doanh các hoạt động như bảo hiểm, xổ số, chứng khoán và các ngành nghề đặc thù khác
Chi phí kinh doanh các hoạt động như bảo hiểm, xổ số, chứng khoán và các ngành nghề đặc thù khác không thực hiện đúng theo văn bản hướng dẫn riêng của Bộ Tài chính.
Trên đây, ACMan đã giúp bạn tìm hiểu về các loại chi phí hợp lý (Chi Phí Được Trừ) khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Hy vọng thông tin này hữu ích tới quý bạn đọc. Bên cạnh đó, để được trải nghiệm thử miễn phí phần mềm kế toán ACMan, xin quý khách vui lòng liên hệ:
CÔNG TY CỔ PHẦN ACMAN
Website: acman.vn
Hotline: 0966 04 34 34
Điện thoại: 1900 63 66 85
Email: sales@acman.vn