LƯƠNG TỐI THIỂU TRONG NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG

Nếu bạn thích bài viết, vote ngay post
Theo nghị định này, kể từ ngày 1-10-2011, lương tối thiểu vùng I sẽ tăng lên thành 2 triệu đồng (xem chi tiết ở bảng 1).
Hai cách hiểu về mức lương tối thiểu
Vậy là năm nay có hai lần nâng lương tối thiểu và lần này sớm ba tháng so với các năm trước. So với mức hiện hành, lương tối thiểu tăng khá cao. Tính riêng khu vực doanh nghiệp trong nước, mức lương tối thiểu vùng I, II và III, tăng 47-48%, còn vùng IV tăng tới 68%. Giới doanh nghiệp cho rằng khó kham nổi, nhưng cơ quan lao động và công đoàn lại cho rằng lương tối thiểu như thế vẫn chưa đáp ứng được mức sống tối thiểu của người lao động. Sự đánh giá khác nhau như vậy là do cách hiểu về vai trò lương tối thiểu còn khác nhau.
Lương tối thiểu hiện đang được hiểu theo hai nghĩa: 1) Là mức lương sàn, “mức lương của người lao động không được thấp hơn mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định” (điều 55 Bộ luật Lao động). 2) Là mức lương cơ bản, “bảo đảm cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện bình thường bù đắp sức lao động giản đơn và một phần tích lũy tái sản xuất sức lao động mở rộng và được dùng làm căn cứ để tính mức lương các loại lao động khác” (điều 56 Bộ luật Lao động).
Cả hai đều là nghĩa pháp lý vì đã được ghi trong luật, nhưng nội dung lại không hoàn toàn giống nhau, do vậy khó thống nhất ý kiến.
Theo nghĩa lương sàn, người sử dụng lao động và người lao động (xin gọi tắt là chủ và thợ) có quyền thỏa thuận mức lương, chỉ cần “không thấp hơn lương tối thiểu”. Nhưng theo nghĩa lương cơ bản, mọi thỏa thuận về mức lương đều phải quy theo một hệ số so với lương tối thiểu pháp định.
Điều đáng chú ý là hai khái niệm “bù đắp sức lao động giản đơn” và “tái sản xuất sức lao động mở rộng” vẫn chưa có một phương pháp lượng hóa nào được công bố và được thừa nhận. Cho nên mọi đánh giá cho rằng lương tối thiểu chưa bảo đảm mức sống tối thiểu đều là cảm tính, không có cơ sở khoa học.
Hiểu lương tối thiểu là lương sàn phù hợp với kinh tế thị trường, vì mức lương phải do bên mua (chủ) và bên bán (thợ) thỏa thuận tùy theo quan hệ cung cầu lao động. Tuy nhiên, để bảo vệ người lao động trong những tình thế có thể “bị bắt nạt”, pháp luật cần quy định một mức lương tối thiểu mà chủ và thợ phải thi hành, nhằm bảo vệ người lao động trong những trường hợp xấu nhất. Xét theo chức năng quản lý nhà nước về mức lương, pháp luật quy định như vậy là đủ.
Trên mức đó là không gian rộng mở cho thỏa thuận giữa chủ và thợ. Các doanh nghiệp có thể đề ra và thực hiện những chính sách tiền lương riêng của mình, kết hợp khéo léo giữa lương cứng và lương mềm (phụ cấp, thưởng, phúc lợi), giữa lương thời gian với lương sản phẩm, lương khoán, sử dụng tiền lương như đòn bẩy nhằm thu hút và giữ chân thợ giỏi trong khuôn khổ điều khiển của “bàn tay vô hình” là thị trường.
Về cách hiểu thứ hai, lương tối thiểu là lương cơ bản, có nguồn gốc từ cơ chế kế hoạch hóa bao cấp thời kinh tế công hữu. Lúc này, tiền lương trong các doanh nghiệp quốc doanh, các cơ quan hành chính, sự nghiệp, đoàn thể xã hội, được xem là phần thu nhập xã hội phân phối cho tiêu dùng cá nhân người lao động (chứ không phải giá cả sức lao động). Để kế hoạch hóa phân phối phần thu nhập này, các nhà hoạch định kế hoạch phải xuất phát từ trình độ đạt được của sản xuất, xác định tương quan giữa tích lũy và tiêu dùng, giữa tiêu dùng xã hội với tiêu dùng cá nhân và trong khuôn khổ quỹ tiêu dùng cá nhân, tìm ra những tiêu chí để phân phối hợp lý thu nhập cho người lao động trong các ngành nghề khác nhau.
Từ những thao tác nghiệp vụ – kỹ thuật này, xuất hiện khái niệm lương tối thiểu và lương bình quân từng ngành nghề, là những thông số để tính ra các thang bảng lương cho lao động trong các ngành nghề khác nhau. Vậy là trong thời đó, lương tối thiểu có vai trò rất quan trọng trong tính toán cân đối vĩ mô, nhưng ở tầm doanh nghiệp, nó lại không có vai trò gì lớn. Các doanh nghiệp (thời đó hầu như đều là quốc doanh) và công nhân viên nhà nước không mấy quan tâm tới lương tối thiểu, mà quan tâm tới các thang bảng lương áp dụng cho họ.
Lương tối thiểu và kinh tế thị trường
Từ khi chuyển sang kinh tế thị trường, Nhà nước chỉ quản lý trực tiếp đối với doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước. Về mặt tiền lương, Nhà nước quản lý trực tiếp bằng quy định “Chính phủ quy định thang lương, bảng lương đối với doanh nghiệp nhà nước” (điều 57 Bộ luật Lao động). Còn đối với doanh nghiệp ngoài quốc doanh, vì Nhà nước không phải là chủ sở hữu, nên chỉ quản lý gián tiếp thông qua quy định lương tối thiểu. Vì thế lương tối thiểu được coi là lương sàn như đã nói ở trên.
Tuy nhiên, trong thực tế quản lý đối với khu vực ngoài quốc doanh, các cơ quan quản lý lao động luôn gắn mức lương ghi trong các thang bảng lương của doanh nghiệp với mức lương tối thiểu. Cho nên mỗi lần lương tối thiểu được điều chỉnh, các doanh nghiệp buộc phải điều chỉnh lại tất cả các thang bảng lương đã đăng ký tại cơ quan lao động, dù rằng trong các thang bảng lương đó, không có bậc lương nào thấp hơn lương tối thiểu mới điều chỉnh. Cho nên điều chỉnh lương tối thiểu đồng nghĩa với việc đồng loạt nâng lương tại các doanh nghiệp.
Điều quan trọng là cách hiểu này dẫn tới ngộ nhận, coi điều chỉnh lương tối thiểu là con đường duy nhất nâng lương cho người lao động, vì vậy Nhà nước phải sử dụng biện pháp hành chính can thiệp vào mức lương tại doanh nghiệp, tuy đó vốn là quan hệ kinh tế – dân sự giữa chủ và thợ.
Thực ra, với quan niệm lương tối thiểu là lương sàn, kể cả trong điều kiện lương tối thiểu không thay đổi, người lao động vẫn có quyền đòi hỏi nâng lương khi điều kiện kinh tế – kỹ thuật của doanh nghiệp đã có thay đổi. Nếu Nhà nước dùng quyền quyết định lương tối thiểu để can thiệp vào việc đòi tăng lương thì vấn đề sẽ không còn là quan hệ kinh tế – dân sự nữa, bởi thay vì yêu cầu giới chủ tăng lương, giới thợ lại phải yêu cầu Chính phủ điều chỉnh lương tối thiểu. Và nếu lương tối thiểu không/chưa được điều chỉnh, giới chủ sẽ có lý do không/chưa tăng lương.

Bình luận

Xem thêm

Contact Me on Zalo