Khái niệm tài sản lưu động là gì? Phân loại và cách tính

5/5 - (1 bình chọn)

Tài sản lưu động (tiếng Anh: Current Assets) là bộ phận tài sản thường chiếm tỷ trọng lớn ở các doanh nghiệp và giữ một vai trò rất quan trọng đối với quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Khái niệm tài sản lưu động là gì, tài sản này khác biệt như thế nào với tài sản cố định, nó có ý nghĩa gì với doanh nghiệp và làm sao để nâng cao hiệu quả sử dụng loại tài sản này? Trong bài viết dưới đây, ACMan sẽ giúp các bạn có cái nhìn tổng quan nhất về TSLĐ.

1. Tài sản lưu động là gì?

Khái niệm tài sản lưu động là gì? Phân loại và cách tínhTài sản lưu động (tài sản ngắn hạn) của doanh nghiệp là tất cả tài sản thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp mà có các đặc điểm như: thời gian sử dụng ngắn hạn (thường dưới một năm), thường xuyên luân chuyển qua các khâu của quá trình sản xuất trong quá trình hoạt động kinh doanh và sẽ hoàn thành 1 vòng luân chuyển khi kết thúc một chu kỳ sản xuất.

Tài sản lưu động bao gồm: tiền mặt, tiền gửi ngân hàng, các khoản phải thu ngắn hạn, hàng tồn kho, chi phí trả trước, chứng khoán có thể bán và những tài sản có thể chuyển thành tiền mặt trong thời hạn dưới một năm. Nhìn chung là tất cả tài sản có thời gian sử dụng, luân chuyển và thu hồi vốn trong một năm (nếu chu kỳ kinh doanh dưới một năm) hoặc trong vòng một chu kỳ kinh doanh (nếu chu kỳ kinh doanh trên một năm). Chu kỳ kinh doanh được hiểu là khoảng thời gian cần thiết kể từ khi doanh nghiệp bỏ vốn vào kinh doanh dưới hình thái tiền tệ lại thu được vốn đó dưới hình thái tiền tệ.

Khác với tài sản cố định là giữ nguyên hình thái vật chất trong suốt quá trình sử dụng thì TSLĐ lại biến đổi, ví dụ các nguyên vật liệu như các miếng gỗ trong quá trình gia công sẽ biến đổi do cắt, gọt, bào…. để đóng được một thành phẩm là cái bàn học, đá, vôi, cát sỏi sẽ được trộn với nhau để thành vữa cho xây nhà.

Ngoài việc Tài sản lưu động thường xuyên thay đổi hình thái biểu hiện của nó trong phạm vi một chu kỳ kinh doanh, đồng thời, giá trị của nó sẽ được chuyển toàn bộ, một lần vào sản phẩm làm ra. Trong quá trình sản xuất kinh doanh, tài sản lưu động thường xuyên có sự thay đổi hình thái biểu hiện theo một chu kỳ khép kín như sau:

Tiền => Nguyên vật liệu => Bán thành phẩm => Thành phẩm => Tiền

2. Phân loại tài sản lưu động

a. Phân loại theo lĩnh vực tham gia

Căn cứ vào lĩnh vực tài sản lưu động tham gia, có thể chia TSLĐ của doanh nghiệp thành 2 loại:

– Tài sản lưu động sản xuất: bao gồm các tài sản lưu động trong khâu dự trữ cho quá trình sản xuất (như nguyên, nhiên. vật liệu, phụ tùng sửa chữa thay thế, công cụ dụng cụ, bao bì đóng gói, …) và TSLĐ trong quá trình sản xuất (như sản phẩm dở dang, bán thành phẩm tự chế, …).

– Tài sản lưu động lưu thông: gồm toàn bộ các tài sản lưu động phục vụ cho cho quá trình lưu thông của doanh nghiệp, như thành phẩm chờ bán, hàng gửi bán, các khoản phải thu ngắn hạn, vốn bằng tiền, …

Cách thức phân loại này giúp nhà quản lý có cái nhìn tổng quát về tỷ trọng tài sản phục vụ cho lưu thông và tài sản phục vụ cho sản xuất, kết hợp với các công cụ tài chính để từ đó so sánh đánh giá để thấy sự phù hợp trong sử dụng và phân bổ tài sản.

b. Phân loại theo phương thức quản lý

Có thể chia tài sản lưu động của doanh nghiệp ra thành 2 loại: tài sản lưu động thường xuyên và tài sản lưu động tạm thời.

– Tài sản lưu động thường xuyên: là những tài sản lưu động mà doanh nghiệp sử dụng thường xuyên trong hoạt động của mình; gồm TSLĐ trong sản xuất, hàng hóa, thành phẩm chờ bán, tiền mặt. Tài sản lưu động thường xuyên phát sinh theo các quy luật có tính ổn định trong quá trình dự trữ, cung cấp vật tư, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Để đảm bảo cho quá trình sản xuất kinh doanh diễn ra liên tục doanh nghiệp phải xác định mức dự trữ tối thiểu cần thiết để duy trì hoạt động thường xuyên.

Tuy quá trình luân chuyển nhanh, nhưng doanh nghiệp do phải đảm bảo tính liên tục của sản xuất cần thường xuyên duy trì nó trong tất cả các khâu của quá trình sản xuất, nên vốn đầu tư ứng trước của doanh nghiệp cho Tài sản lưu động thường xuyên thường không thể rút ra khỏi quá trình sản xuất, nó chỉ có thể giảm đi do doanh nghiệp tăng nhanh tốc độ luân chuyển vốn hoặc do tiết kiệm được vốn lưu động.

– Tài sản lưu động tạm thời: là những tài sản lưu động chỉ phát sinh nhu cầu sử dụng trong quá trình kinh doanh tại một số thời điểm, ngắn hạn, không có quy luật; vì vậy thường không có căn cứ để tính toán định mức và cũng không cần thiết phải xác định định mức, tùy vào thời điểm phát sinh và loại tài sản phát sinh mà tính toán cho hợp lý. Ví dụ, các khoản nợ phải thu quá hạn, nợ khó đòi, các loại tiền phạt, tiền bồi thường chưa thu được, các loại vật tư thừa hoặc thiếu hụt chờ giải quyết…

Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động, khi các hoạt động và các nghiệp vụ phát sinh đã có tính quy luật, nhờ thống kê, người làm công tác quản lý tài chính vẫn có thể lên được kế hoạch cho các loại tài sản sẽ phát sinh không thường xuyên này.

c. Phân loại theo tính thanh khoản

Dựa vào tính thanh khoản (khả năng chuyển đổi thành tiền) tài sản lưu động của doanh nghiệp được chia ra thành vốn bằng tiền, các khoản phải thu và vật tư – hàng hóa.

– Tiền (cash): Gồm tất cả tiền mặt tại quỹ, tiền trên các tài khoản ngân hàng và tiền đang chuyển. Lưu ý rằng, ở đây tiền (hay vốn bằng tiền) không phải chỉ là tiền mặt. Nhiều người nhầm lẫn khái niệm Cash trong tiếng Anh và cho nó đồng nghĩa với khái niệm tiền mặt trong tiếng Việt, bởi theo ngôn ngữ tiếng Việt Nam, ”tiền mặt “ không bao gồm tiền gửi ngân hàng. Khi các doanh nghiệp thanh toán bằng séc hoặc chuyển khoản thì được gọi là “thanh toán không dùng tiền mặt”. Trong lĩnh vực tài chính- kế toán, tài sản bằng tiền của một công ty hay doanh nghiệp bao gồm:

  • Tiền mặt
  • Tiền gửi ngân hàng
  • Tiền dưới dạng séc các loại
  • Tiền trong thanh toán
  • Tiền trong thẻ tín dụng và các loại thẻ ATM

– Vàng, bạc, đá quý và kim khí quý: Đây là nhóm tài sản đặc biệt, chủ yếu dùng vào mục đích dự trữ. Tuy vậy, trong một số ngành như ngân hàng, tài chính, bảo hiểm, trị giá kim cương, đá qúy, vàng bạc, kim khí quý … có thể rất lớn.

– Các tài sản tương đường với tiền: Nhóm này gồm các tài sản tài chính có khả năng chuyển đổi cao, tức là dễ bán, dễ chuyển đổi thành tiền khi cần thiết. Tuy nhiên, không phải tất cả các loại chứng khoán đều thuộc nhóm này. Chỉ có các chứng khoán ngắn hạn dễ bán mới được coi là TSLĐ thuộc nhóm này. Ngoài ra, các giấy tờ thương mại ngắn hạn, được bảo đảm có độ an toàn cao thì cũng thuộc nhóm này. Ví dụ: hối phiếu ngân hàng, kỳ phiếu thương mại, …

– Chi phí trả trước: Chi phí trả trước bao gồm các khoản tiền mà công ty đã trả trước cho người bán, nhà cung cấp hoặc các đối tượng khác. Một số khoản trả trước có thể có mức độ rủi ro cao vì phụ thuộc vào một số yếu tố khó dự đoán trước.

– Các khoản phải thu: là bộ phận tài sản của doanh nghiệp nhưng đang bị các cá nhân hoặc chủ thể khác chiếm dụng mà doanh nghiệp phải có trách nhiệm thu hồi về trong vòng một hai tháng, bao gồm: các khoản phải thu khách hàng, phải thu nội bộ, trả trước cho người bán, phải thu về thuế GTGT đầu vào được khấu trừ…

Các khoản phải thu là một tài sản rất quan trọng của doanh nghiệp, đặc biệt là các công ty kinh doanh thương mại, mua bán hàng hoá. Hoạt động mua bán chịu giữa các bên, phát sinh các khoản tín dụng thương mại.

– Hàng hóa vật tư: Gồm toàn bộ các tài sản lưu động trong quá trình dự trữ sản xuất, quá trình sản xuất và hàng hóa, thành phẩm- thực chất là các TSLĐ có hình thái vật chất cụ thể. Hàng hoá vật tư được theo dõi trong nhóm tài khoản “Hàng tồn kho”. ”Hàng tồn kho” trong khái niệm này không có nghĩa chỉ bao gồm là hàng hoá bị ứ đọng chưa/hoặc không bán được, mà còn bao gồm toàn bộ các hàng hoá, vật liệu, nguyên liệu đang tồn tại ở các kho, quầy hàng hoặc trong xưởng. Nó gồm nhiều chủng loại khác nhau như: nguyên vật liệu chính, vật liệu phụ, nhiên liệu, thành phẩm…

– Các chi phí chờ phân bổ: Trong thực tế, một khối lượng nguyên vật liệu và một số khoản chi phí đã phát sinh nhưng có thể chưa được phân bổ vào giá thành sản phẩm hay dịch vụ trong một năm tài chính. Những khoản chi phí này sẽ được phân bổ dần vào giá thành trong khoảng thời gian thích hợp.

– Tài sản lưu động khác: là những tài sản lưu động còn lại ngoài những tài sản kể trên, bao gồm: các khoản đặt cọc, kí quỹ, kí cược ngắn hạn, các khoản ứng trước, các khoản chi phí trả trước ngắn hạn, … Đây là những TSLĐ không có tính phổ biến hoặc không đáng kể, không giống như các khoản mục TSLĐ điển hình

– Tiền đặt cọc, ký cược: Trong một số trường hợp (do tính chất đặc thù của sản phẩm, hoặc độ tin cậy giữa doanh nghiệp và nhà cung cấp chưa cao, …) thì doanh nghiệp phải chuyển trước cho bên bán (hoặc nhà cung cấp) một số tiền nhất định gọi là tiền đặt cọc nhằm cam kết việc thực hiện hợp đồng với người bán. Thông thường số tiền đặt cọc quy định theo hai cách:

  • Đặt cọc theo tỷ lệ phần trăm giá trị hợp đồng hoặc giá trị tài sản được mua bán
  • Đặt cọc được ấn định bằng một số tiền cụ thể, hoặc một giá trị tối thiểu cho hợp đồng.

>>> Xem thêm:

Tài sản cố định vô hình là gì? Phân loại và các quy định chi tiết

Hướng dẫn cách xác định nguyên giá tài sản cố định hữu hình

3. Cách tính tài sản lưu động

Như đã trình bày ở trên, tài sản lưu động là tất cả các tài sản có thời gian sử dụng, luân chuyển và thu hồi vốn trong một năm hoặc trong một chu kỳ kinh doanh. Công thức của tài sản lưu động như sau:

Tài sản lưu động  =  (Tiền mặt)  +  (Tiền gửi ngân hàng)  +  Các khoản Thu)  +  (Công nợ)  +  (Hàng tồn kho)  +  (Đầu tư ngắn hạn)  +  (Chi phí trả trước)

Nhìn chung, muốn xác định tổng TSLĐ ta có thể lấy chỉ tiêu “A – Tài sản ngắn hạn” trên Bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp.

Trên đây là một vài chia sẻ của ACMan về khái niệm tài sản lưu động là gì cũng như một số cách phân loại thường gặp, hi vọng có thể giúp ích cho các bạn kế toán trong công việc hằng ngày.

Bên cạnh đó, để được trải nghiệm thử miễn phí phần mềm kế toán doanh nghiệp ACMan – phần mềm kế toán quản lý TSCĐ và TSLĐ chuyên nghiệp nhất, xin quý khách hàng vui lòng liên hệ:

Website: acman.vn

Hotline: 0966 04 34 34

Điện thoại: 1900 63 66 85

Email: sales@acman.vn

Bình luận

Xem thêm

Contact Me on Zalo