Câu hỏi và cách xử lý các tình huống liên quan đến hóa đơn GTGT

Nếu bạn thích bài viết, vote ngay post

Các vấn đề, tình huống liên quan đến hóa đơn giá trị gia tăng luôn là những khúc mắc rất được các bạn kế toán mới ra trường quan tâm. Công ty Acman xin được chia sẻ một vài tình huống thường gặp nhất để kế toán có thể xử lý tốt nhất được những vấn đề liên quan đến việc sử dụng, lập hóa đơn giá trị gia tăng:

Câu hỏi 1:
Công ty tôi kinh doanh hàng may mặc, nhiều khi bán hàng khách hàng không lấy hóa đơn khi mua hàng có giá trị đến 300.000 đồng. Vậy trong trường hợp này Công ty tôi có phải lập hóa đơn không? Tiêu thức “Tên, địa chỉ, mã số thuế của người bán” trên hóa đơn được ghi như thế nào?
Trả lời:
Theo quy định tại Điểm b, Khoản 2, Điều 16,  Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính thì: Trường hợp khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ từ 200.000 đồng trở lên mỗi lần, người mua không lấy hóa đơn hoặc không cung cấp tên, địa chỉ, mã số thuế (nếu có) thì vẫn phải lập hóa đơn và ghi rõ “người mua không lấy hoá đơn” hoặc “người mua không cung cấp tên, địa chỉ, mã số thuế”.

Câu hỏi 2:
Công ty chúng tôi kinh doanh đồ gia dụng, trong một lần bán hàng có thể xảy ra trường hợp danh mục hàng hóa nhiều hơn số dòng của 1 số hóa đơn. Do vậy khi lập hóa đơn bán hàng công ty chúng tôi phải sử dụng bảng kê để liệt kê các loại hàng hóa đã bán kèm theo hóa đơn. Xin hỏi chúng tôi có thể sử dụng bảng kê do Công ty tự thiết kế không? Nội dung trên bảng kê phải đảm bảo những nội dung gì?
Trả lời:
Theo quy định tại Điểm b, Khoản 2, Điều 16,  Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính thì: Công ty bạn có thể sử dụng bảng kê do Công ty tự thiết kế phù hợp với đặc điểm, mẫu mã, chủng loại của các loại hàng hóa nhưng phải đảm bảo các nội dung chính như sau:
+ Tên người bán hàng, địa chỉ liên lạc, mã số  thuế
+ Tên hàng, số lượng, đơn giá, thành tiền. Trường hợp Công ty nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ thì bảng kê phải có tiêu thức “thuế suất giá trị gia tăng”, “tiền thuế giá trị gia tăng”. Tổng cộng tiền thanh toán (chưa có thuế giá trị gia tăng) đúng với số tiền ghi trên hóa đơn giá trị gia tăng.
Bảng kê phải ghi rõ “kèm theo hóa đơn số… Ngày… tháng… năm” và có đầy đủ các chữ ký của người bán hàng, chữ ký của người mua hàng như trên hóa đơn.
Trường hợp bảng kê có hơn một (01) trang thì các bảng kê phải được đánh số trang liên tục và phải đóng dấu giáp lai. Trên bảng kê cuối cùng phải có đầy đủ chữ ký của người bán hàng, chữ ký của người mua hàng như trên hóa đơn.
Số bảng kê phát hành phù hợp với số liên hóa đơn. Bảng kê được lưu giữ cùng với hóa đơn để cơ quan thuế kiểm tra, đối chiếu khi cần thiết.
Người bán hàng và người mua hàng thực hiện quản lý và lưu giữ bảng kê kèm theo hóa đơn theo quy định.

Câu hỏi 3:
Công ty chúng tôi là đơn vị kinh doanh xuất nhập khẩu được bán hàng thu ngoại tệ “USD” theo quy định của pháp luật. Giả sử chúng tôi có xuất một lô hàng trị giá 10.000 USD, tỷ giá giao dịch bình quân của thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm lập hóa đơn là 20.132 VND/USD, xin hỏi đồng tiền ghi trên hóa đơn như thế nào?
Trả lời:
Theo quy định tại Điểm e, Khoản 2, Điều 16, Chương III, Thông tư số39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính, trường hợp Công ty bạn là đơn vị được bán hàng thu ngoại tệ “USD” theo quy định của pháp luật thì tổng số tiền thanh toán được ghi bằng “USD”, phần chữ ghi bằng tiếng Việt.
Đồng thời ghi trên hóa đơn tỷ giá USD với đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch bình quân của thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm lập hóa đơn.
Cụ thể:
– Tại dòng Tổng cộng tiền thanh toán ghi: 10.000 USD.
–  Số tiền viết bằng chữ ghi: Mười nghìn đô la Mỹ.
– Đồng thời ghi tỷ giá: 1USD = 20.132,00 VND

Câu hỏi 4:
Công ty chúng tôi là đơn vị bán lẻ xăng, dầu bán cho người mua thường xuyên là tổ chức, cá nhân kinh doanh thì ngày lập hóa đơn là ngày nào? Trong trường hợp bán lẻ nếu người mua không yêu cầu lấy hóa đơn thì chúng tôi có phải lập hóa đơn không?
Trả lời:
Theo quy định tại Điểm a và b, Khoản 2, Điều 14,  Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014của Bộ Tài chính thì: Công ty bạn khi bán xăng cho người mua thường xuyên là tổ chức, cá nhân kinh doanh thì ngày lập hóa đơn thực hiện định kỳ theo hợp đồng giữa hai bên kèm theo bảng kê hoặc chứng từ khác có xác nhận của hai bên, nhưng chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng phát sinh hoạt động mua bán xăng. Trong trường hợp bán lẻ, nếu người mua không yêu cầu lấy hóa đơn thì cuối ngày đơn vị phải lập chung một hóa đơn cho tổng doanh thu người mua không lấy hóa đơn phát sinh trong ngày.

Câu hỏi 5:
Cửa hàng tôi bán văn phòng phẩm, một lần bán có giá trị thanh toán là 300.000 đồng, người mua không cung cấp “Tên, địa chỉ, mã số thuế”. Vậy chúng tôi phải lập hóa đơn như thế nào?
Trả lời:
Theo quy định tại Điểm b, Khoản 2, Điều 14, Chương III, Thông tư số39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính thì: Cửa hàng bạn vẫn phải lập hóa đơn, trên hóa đơn ghi đầy đủ, đúng các yếu tố quy định; Tại tiêu thức “Tên, địa chỉ, mã số thuế của người mua” ghi rõ là  “người mua không cung cấp tên, địa chỉ, mã số thuế”.

Câu hỏi 6:
Cửa hàng tôi bán tạp hóa, một lần bán hàng có giá trị thanh toán 200.000 đồng nhưng người mua không lấy hóa đơn. Xin hỏi cửa hàng tôi có phải lập hóa đơn không và nếu phải lập thì lập như thế nào?
Trả lời:
Theo quy định tại Điểm b, Khoản 2, Điều 14, Chương III, Thông tư số39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính thì cửa hàng bạn vẫn phải lập hóa đơn, tại tiêu thức “Tên, địa chỉ, mã số thuế của người mua” ghi rõ là  “người mua không lấy hóa đơn”.

Câu hỏi 7:
Thông thường tiêu thức “người bán hàng (ký, đóng dấu, ghi rõ họ tên)” là do Giám đốc công ty tôi ký. Nay Giám đốc công ty đi nước ngoài thì người trực tiếp bán hàng ký có được không?
Trả lời:
Theo quy định tại Điểm d, Khoản 2, Điều 16, Chương III, Thông tư số39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính: Trường hợp Giám đốc công ty bạn đi nước ngoài thì người trực tiếp bán hàng có thể ký, ghi rõ họ tên trên hóa đơn nhưng phải có giấy ủy quyền của Giám đốc công ty cho người trực tiếp bán ký và đóng dấu của tổ chức vào phía trên bên trái của tờ hóa đơn.

Câu hỏi 8:
Công ty tôi thường xuyên bán hàng hóa thông qua điện thoại hoặc FAX do vậy không có chữ ký của người mua hàng trên hóa đơn. Xin hỏi chúng tôi phải ghi như thế nào vào chỉ tiêu này?
Trả lời:
Theo quy định tại Điểm đ, Khoản 2, Điều 16, Chương III, Thông tư số39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính thì: trường hợp Công ty bạn bán hàng thông qua điện thoại hoặc FAX thì người mua hàng không nhất thiết phải ký, ghi rõ họ tên trên hóa đơn. Khi lập hóa đơn tại tiêu thức “người mua hàng (ký, ghi rõ họ tên)”, Công ty bạn phải ghi rõ là bán hàng qua điện thoại, FAX.

Câu hỏi 9:
Cửa hàng tôi một lần bán hàng hóa có tổng trị giá thanh toán là 150.000 đồngKhách hàng yêu cầu tôi phải lập hóa đơn để giao cho họ, xin hỏi theo quy định tôi có phải lập hóa đơn không?
Trả lời:
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 18, Chương III, Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính thì bán hàng hóa, dịch vụ có tổng giá thanh toán dưới 200.000 đồng mỗi lần thì không phải lập hóa hơn, trừ trường hợp người mua yêu cầu lập và giao hóa đơn. Như vậy, với trường hợp của cửa hàng bạn, khi khách yêu cầu lập hóa đơn, bạn vẫn phải lập hóa đơn và giao cho khách hàng.

Câu hỏi 10:
Công ty chúng tôi đặt in hóa đơn nhưng chưa thông báo phát hành mà đã sử dụng thì có được không?
Trả lời:

Theo quy định tại Khoản 1, Khoản 4, Điều 9, Chương II Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính thì: Tổ chức, hộ, cá nhân kinh doanh trước khi sử dụng hóa đơn cho việc bán hàng hóa, dịch vụ trừ hóa đơn được mua, cấp tại cơ quan thuế phải lập Thông báo phát hành hóa đơn (mẫu số 3.5, phục lục 3, ban hành kèm theo Thông tư) và gửi kèm theo hóa đơn mẫu đến cơ quan thuế.
Như vậy, trường hợp Công ty bạn đặt in hóa đơn nhưng chưa thông báo phát hành mà đã sử dụng là sử dụng hóa đơn chưa có giá trị sử dụng và theo quy định tại Điều 22, Chương III, Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính thì Công ty bạn đã sử dụng hóa đơn bất hợp pháp. Theo đó Công ty bạn sẽ bị xử phạt về hành vi vi phạm quy định về phát hành hóa đơn theo quy định tại Điều 37, Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hoá đơn của Chính phủ.

Câu hỏi 11:
Công ty chúng tôi bị mất quyển hóa đơn đang sử dụng. Chúng tôi đã thông báo với cơ quan thuế để không tiếp tục sử dụng quyển hóa đơn đó nữa. Nhưng sau đó Công ty lại tìm thấy quyển hóa đơn đó và tiếp tục sử dụng. Xin hỏi như vậy có được không?

Trả lời:
Theo quy định tại Điều 22, Chương III, Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính: Trường hợp Công ty Anh (Chị) bị mất quyển hóa đơn, đã thông báo với cơ quan thuế, sau đó Công ty Anh (Chị) lại tìm thấy quyển hóa đơn thì không được phép tiếp tục sử dụng quyển hóa đơn đó mà phải thực hiện hủy hóa đơn theo quy định. Nếu Công ty tiếp tục sử dụng quyền hóa đơn đó thì đó là hành vi sử dụng hóa đơn bất hợp pháp. Công ty sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

Câu hỏi 12:

Công ty tôi đã thông báo phát hành hoá đơn đặt in với số lượng hoá đơn là 500 số vào đầu năm 2014. Đến hết tháng 5/2014, Công ty tôi sử dụng hết 200 hoá đơn. Tháng 6/2014, Công ty tôi có thay đổi địa chỉ kinh doanh nhưng không thay đổi mã số thuế và cơ quan thuế quản lý. Công ty tôi vẫn có nhu cầu sử dụng số hoá đơn đã đặt in còn lại. Vậy Công ty tôi phải làm như thế nào? 
Trả lời:
Tại khoản 2, điều 9 của Thông tư 39/2014/TT-BTC ngày 31/03/2014 của BTC quy đinh: “Đối với các số hóa đơn đã thực hiện thông báo phát hành nhưng chưa sử dụng hết có in sẵn tên, địa chỉ trên tờ hóa đơn, khi có sự thay đổi tên, địa chỉ nhưng không thay đổi mã số thuế và cơ quan thuế quản lý trực tiếp, nếu tổ chức kinh doanh vẫn có nhu cầu sử dụng hóa đơn đã đặt in thì thực hiện đóng dấu tên, địa chỉ mới vào bên cạnh tiêu thức tên, địa chỉ đã in sẵn để tiếp tục sử dụng và gửi thông báo điều chỉnh thông tin tại thông báo phát hành hóa đơn đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp (mẫu số 3.13 Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này)”.
Căn cứ quy định nêu trên thì Công ty sẽ thực hiện đóng dấu tên, địa chỉ mới vào bên cạnh tiêu thức tên, địa chỉ đã in sẵn để tiếp tục sử dụng và gửi thông báo điều chỉnh thông tin tại thông báo phát hành hoá đơn đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp (theo mẫu số 3.13 Phụ lục 3 của Thông tư 39/2014/TT-BTC) .

Câu hỏi 13:

Công ty tôi đã thông báo phát hành hóa đơn tự in với số lượng hóa đơn là 800 số. Công ty đã sử dụng hết 500 số, còn lại 300 số chưa sử dụng. Đến nay, Công ty muốn thay đổi một số thông tin trên hóa đơn và không muốn sử dụng số còn tồn. Vậy Công ty tôi có được hủy các hóa đơn đó không? 
Trả lời:
Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 4 Thông tư 39/2014/TT-BTC thì trường hợp doanh nghiệp không muốn tiếp tục sử dụng số hóa đơn đã phát hành nhưng chưa sử dụng thì thực hiện hủy các số hóa đơn chưa sử dụng và thực hiện Thông báo phát hành hóa đơn mới theo quy định.

Câu hỏi 14:

Doanh nghiệp tôi mới thành lập và được cơ quan thuế xác định là đối tượng phải mua hoá đơn do cơ quan thuế phát hành. Tôi muốn hỏi hồ sơ thủ tục mua hoá đơn tại cơ quan thuế như thế nào? 
Trả lời:
Căn cứ tại tiết a, khoản 2, điều 12, Thông tư 39/2014/TT-BTC ngày 31/03/2014 quy định về thủ tục mua hoá đơn do cơ quan thuế phát hành cần phải có:
– Đơn đề nghị mua hoá đơn (mẫu số 3.3 Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư 39/2014/TT-BTC)
– Giấy Chứng minh thư nhân dân của người mua hoá đơn (người có tên trong đơn hoặc người được doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh, chủ hộ kinh doanh ủy quyền bằng giấy ủy quyền theo quy định của pháp luật) vẫn còn hạn sử dụng theo quy định của pháp luật.
– Văn bản cam kết (nếu  là mua lần đầu) (Mẫu số 3.16 Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư số 39/2014/TT-BTC) về địa chỉ sản xuất, kinh doanh phù hợp với giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy phép đầu tư (giấy phép hành nghề) hoặc quyết định thành lập của cơ quan có thẩm quyền.
Khi đến mua hóa đơn, doanh nghiệp, tổ chức, hộ, cá nhân mua hóa đơn do cơ quan thuế phát hành phải tự chịu trách nhiệm ghi hoặc đóng dấu: tên, địa chỉ, mã số thuế trên liên 2 của mỗi số hóa đơn trước khi mang ra khỏi cơ quan thuế nơi mua hóa đơn.

Câu hỏi 15:

Công ty tôi nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ, trong kỳ có xuất hàng cho cơ sở nhận là đại lý bán đúng giá hưởng hoa hồng. Xin hỏi công ty có được sử dụng Phiếu xuất kho hàng gửi bán đại lý khi xuất hàng cho đại lý không? 
Trả lời:
Tại điểm 2.6, phụ lục 4, Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014   của Bộ Tài chính quy định: “Tổ chức kinh doanh kê khai, nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ xuất điều chuyển hàng hoá cho các cơ sở hạch toán phụ thuộc như các chi nhánh, cửa hàng ở khác địa phương (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) để bán hoặc xuất điều chuyển giữa các chi nhánh, đơn vị phụ thuộc với nhau; xuất hàng hoá cho cơ sở nhận làm đại lý bán đúng giá, hưởng hoa hồng, căn cứ vào phương thức tổ chức kinh doanh và hạch toán kế toán, cơ sở có thể lựa chọn một trong hai cách sử dụng hoá đơn, chứng từ như sau:
a) Sử dụng hoá đơn GTGT để làm căn cứ thanh toán và kê khai nộp thuế GTGT ở từng đơn vị và từng khâu độc lập với nhau;
b) Sử dụng Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ kèm theo Lệnh điều động nội bộ; Sử dụng Phiếu xuất kho hàng gửi bán đại lý theo quy định đối với hàng hoá xuất cho cơ sở làm đại lý kèm theo Lệnh điều động nội bộ.
Cơ sở hạch toán phụ thuộc, chi nhánh, cửa hàng, cơ sở nhận làm đại lý bán hàng khi bán hàng phải lập hóa đơn theo quy định giao cho người mua, đồng thời lập Bảng kê hàng hóa bán ra gửi về cơ sở có hàng hóa điều chuyển hoặc cơ sở có hàng hoá gửi bán (gọi chung là cơ sở giao hàng) để cơ sở giao hàng lập hóa đơn GTGT cho hàng hóa thực tế tiêu thụ giao cho cơ sở hạch toán phụ thuộc, chi nhánh, cửa hàng, cơ sở nhận làm đại lý bán hàng.
Trường hợp cơ sở có số lượng và doanh số hàng hoá bán ra lớn, Bảng kê có thể lập cho 05 ngày hay 10 ngày một lần. Trường hợp hàng hoá bán ra có thuế suất thuế GTGT khác nhau phải lập bảng kê riêng cho hàng hoá bán ra theo từng nhóm thuế suất.
Cơ sở hạch toán phụ thuộc, chi nhánh, cửa hàng, cơ sở nhận làm đại lý bán hàng thực hiện kê khai nộp thuế GTGT đối với số hàng xuất bán cho người mua và được kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào theo hóa đơn GTGT của cơ sở giao hàng xuất cho.
Trường hợp các đơn vị trực thuộc của cơ sở kinh doanh nông, lâm, thủy sản đã đăng ký, thực hiện kê khai nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ, có thu mua hàng hóa là nông, lâm, thủy sản để điều chuyển, xuất bán về trụ sở chính của cơ sở kinh doanh thì khi điều chuyển, xuất bán, đơn vị trực thuộc sử dụng Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ, không sử dụng hóa đơn GTGT.”

=> Căn cứ quy định nêu trên, trường hợp công ty xuất hàng cho đại lý bán đúng giá có thể sử dụng Phiếu xuất kho hàng gửi bán đại lý kèm theo Lệnh điều động nội bộ.

Tư vấn ACMan

Bình luận

Xem thêm

Contact Me on Zalo